Kinh nghiệm thi tuyển và làm việc Tại Deloitte Việt Nam

Đều đặn mỗi năm vào mùa tuyển dụng, những ông lớn BIG4 luôn nhận được sự săn đón nhiệt tình của các bạn sinh viên theo học Khối ngành Kinh tế nói chung và các sinh viên Kế toán – Kiểm toán nói riêng. Tuy nhiên, lựa chọn cho mình một BIG phù hợp để ứng tuyển cũng không phải là công việc dễ dàng khi mỗi firm lại sở hữu những điểm hấp dẫn khác nhau. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về kinh nghiệm thi tuyển và làm việc tại Deloitte – ông hoàng có mức doanh thu “khủng” nhất trong BIG4 trên thế giới.

Giới thiệu chung về tập đoàn Deloitte Việt Nam

1. Deloitte trên thế giới

Deloitte Touche Tohmatsu Limited là một trong những tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp (professional services firm) hàng đầu thế giới. Ban đầu, Deloitte, Haskins & Sells và Touche Ross là 2 firm riêng biệt cùng hoạt động trong lĩnh vực tài chính cho đến năm 1989 hợp nhất tạo thành Deloitte Touche. Tập đoàn chính thức mang tên Deloitte Touche Tohmatsu vào năm 1993 và giữ nguyên cái tên ấy cho đến ngày nay.

Đến nay, qua hơn một thế kỉ phát triển, Deloitte đã khẳng định thương hiệu riêng của mình với các dịch vụ chất lượng về kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính… Với mạng lưới phát triển trải rộng trên 150 quốc gia cùng hơn 263.900 nhân viên, trong năm tài chính 2017, Deloitte tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về tổng doanh thu (38,8 tỷ USD) trong số các công ty cùng lĩnh vực theo thứ tự là PwC, EY và KPMG.

Deloitte trên thế giới

2. Deloitte Việt Nam

Là công ty kiểm toán đầu tiên trên thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam, sự ra đời và phát triển của Deloitte Việt Nam gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành kiểm toán độc lập.

Tiền thân của Deloitte tại Việt Nam là công ty kiểm toán Việt Nam – Vietnam Auditing Company (VACO). Năm 1992, VACO kí hợp đồng hợp tác đầu tiên với Deloitte Touche Tohmatsu, tạo tiền đề cho cột mốc mang tính bước ngoặt vào năm 1995 khi hai bên bắt tay thành lập liên doanh kiểm toán VACO – Deloitte Touche Tohmatsu. Năm 1997, công ty chính thức là đại diện pháp lý của Deloitte quốc tế, cho tới 2002, sau khi Hiệp định Thương mại Mỹ – Việt có hiệu lực, VACO – Deloitte bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi từ sở hữu công sang không có vốn sở hữu của nhà nước. Đến năm 2007 công ty mới chính thức hoạt động dưới thương hiệu Deloitte Việt Nam. Xuất phát điểm là doanh nghiệp nhà nước, không quá ngạc nhiên khi Deloitte Việt Nam vượt lên trên các đối thủ khác trong BIG4 về thị phần khách hàng doanh nghiệp nhà nước. Cũng giống như các BIG khác, Deloitte cung cấp các loại hình dịch vụ liên quan đến kiểm toán, thuế và tư vấn với slogan: “Giải pháp sáng tạo, tiếp cận chủ động” (Innovative solutions, proactive approach).

Trụ sở công ty hiện tại:

  • Tại Hà Nội: Tòa nhà Vinaconex 34 Láng Hạ, Hà Nội
  • Tại TP. HCM: Tầng 18, Tòa nhà Times Square, đường Nguyễn Huệ, TP. Hồ Chí Minh

Một điểm hấp dẫn và khác biệt so với các firm còn lại trong BIG4 là Deloitte tuyển nhiều sinh viên học đúng chuyên ngành kế kiểm nhất để làm việc tại Deloitte.

Thi tuyển vào Deloitte Việt Nam

1. Khái quát chung

Khác với thông lệ của một kỳ thi tuyển dụng, những năm gần đây, chương trình tuyển thực tập sinh của Deloitte được tổ chức dưới hình thức cuộc thi mang tên “Breaking the Limit”với sự hợp tác của ICAEW (Institute of Chartered Accountants in England and Wales – Viện Kế toán Công Chứng Vương quốc Anh và xứ Wales).

  • Thời gian mở đơn: Khoảng Tháng 8 hàng năm
  • Đối tượng: Sinh viên năm cuối hoặc đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán
  • Các vị trí tuyển dụng: Audit Intern & Tax Intern

Ngoài ra, vào tháng 3 hàng năm, Deloitte mở đơn cho chương trình “One Step Ahead”. Đây là chương trình dành riêng cho sinh viên năm 2, năm 3 có cơ hội đến thăm văn phòng và tham gia training trong 2 ngày tại Deloitte. Số lượng sinh viên được chọn sau khi nộp CV và bảng điểm rơi vào khoảng 100 – 120 người. Sau 2 buổi đó, các bạn tham gia sẽ được nhận Certificate từ Deloitte.

Thi tuyển vào Deloitte Việt Nam

 

2. Các vòng thi tuyển

Bài viết này sẽ tập trung phân tích về các vòng thi tuyển thực tập sinh tại Deloitte vào năm 2016, khu vực miền Bắc. Nhìn chung, để chính thức làm việc tại Deloitte, thí sinh phải vượt qua 4 vòng thi tuyển.

Vòng 1: One Step Ahead: Vòng hồ sơ

Trong vòng đầu tiên này, các thí sinh sẽ nộp CV, Cover letter và các Certificates khác theo form online của công ty. Bí quyết để vượt qua “vòng gửi xe” này đó là bạn phải sở hữu CV thật khoa học, trình bày hợp lý, nhất quán, không mắc lỗi chính tả, điểm GPA không quá thấp (tốt nhất là >7.5), các hoạt động ngoại khóa cũng như thành tích từ các cuộc thi sẽ là điểm cộng rất lớn cho ứng viên.

Ngoài ra, một điểm cần chú ý là Deloitte rất chú trọng vào trường đại học của bạn. Hơn nữa, bạn cũng phải trung thực giữa những gì bạn có và những gì bạn viết trong CV của mình. Bạn có thể nhờ bạn bè hay những anh chị có kinh nghiệm đi trước review những lỗi trong CV của mình, khi nào cảm thấy thật hài lòng thì mới gửi đi.

Lưu ý: Do càng về cuối ngày đóng đơn, lượng CV gửi về sẽ rất lớn, và cũng để đề phòng rủi ro về máy tính, mạng Internet, các bạn nên gửi CV càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước deadline khoảng 3-4 ngày.

Vòng 2: Challenger (Vượt lên chính mình)

Sau khi có kết quả vòng 1, các thí sinh đi tiếp sẽ nhận được email thông báo về thời gian và địa điểm diễn ra vòng 2. Như các bạn đã biết, Deloitte rất chú trọng vào kiến thức chuyên ngành nên đây được coi là vòng thi cam go, áp lực nhất cả về thời gian và kiến thức.

Tại vòng 2, thí sinh phải làm bài test kiến thức chuyên ngành. Đề thi được tách biệt giữa 2 bộ phận Audit và Tax, các bạn có thể lựa chọn 1 trong 2, hoặc thi cả 2 nếu có đủ sức khỏe và tinh thần. Thực tế cho thấy, có khá nhiều thí sinh đăng ký ở cả 2 bộ phận và đều nhận được offer làm việc tại Deloitte ở cả 2 phòng ban.

a. Audit

Tổng điểm là 100, thời gian làm bài trong 90 phút và sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mỗi phần tối đa 20 điểm.

Phần Số câu Nội dung Bí kíp làm bài
Accounting 15 Các câu hỏi liên quan đến Chuẩn mực kế toán Việt Nam, như VAS 03 về Tài sản cố định hữu hình, VAS 04 về Tài sản cố định vô hình, hay VAS 16 về Chi phí lãi vay. Có nhiều câu độ dài cả đề và đáp án lên tới 1 trang A4, khiến cho thí sinh rất khó để hiểu nhanh được hết nội dung của đề thi, vì đôi khi câu hỏi chỉ tập trung vào các từ khóa nhất định. Bí quyết để làm tốt phần này đó là bạn phải có kiến thức về kế toán thật chắc, cùng với vốn tiếng Anh chuyên ngành ổn để có thể hiểu hết được nội dung đề, nắm được ý chính và điểm mấu chốt, cùng với đó là kỹ năng tính toán cẩn thận. Các kiến thức của môn học F3 ACCA không xuất hiện trực tiếp nhiều trong đề thi, nhưng việc sử dụng các phương pháp tính của F3 sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi làm bài tập.
Auditing 15 Đề xoay quanh một số vấn đề hay gặp phải như Ethics, Frauds… trong kiểm toán. Bên cạnh đó còn có phần thủ tục cho các phần hành cũng như các Threats trong kiểm toán. Để làm tốt phần này, các bạn phải nắm thật chắc và hiểu sâu về các vấn đề trong môn Kiểm toán căn bản và Kiểm toán tài chính: rủi ro kiểm toán, thử nghiệm cơ bản, thử nghiệm tuân thủ, hệ thống kiểm soát nội bộ, và một phần không thể thiếu, đó là thủ tục kiểm toán cho các phần hành.
General Knowledge   Các câu hỏi chủ yếu liên quan đến tin tức ở Việt Nam cũng như Thế giới như sự kiện Brexit ở Anh, lễ trao giải Oscar, chung kết EURO 2016, hay thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam. Cũng có những câu hỏi thể hiện kiến thức đã được tích lũy từ lâu như điệu múa thuộc dân tộc nào hay con sông nào dài nhất Đông Âu… Bí quyết làm tốt ở phần này là, ngoài kiến thức chuyên ngành trên sách vở, hãy tích lũy kiến thức xã hội càng nhiều càng tốt, không chỉ phục vụ cho việc thi tuyển mà còn giúp đời sống của bạn phong phú hơn.
Logic   Các câu hỏi không có phần dãy số và hình học, thay vào đó là các câu hỏi về con vật nuôi, hay mệnh đề này có thỏa mãn với giả thuyết hay không. Các bạn phải vận dụng tư duy logic, sự sáng tạo để hoàn thành tốt phần này và ghi điểm trong bài test.
Essay Bài luận Đề năm 2016 yêu cầu các bạn trình bày ý kiến cá nhân về một vấn đề và đề năm nay được đánh giá là hay khi có yếu tố kiểm toán: Clients want practitioners more than just assurance service providers. They want more than of advisors who can work with them to make value. Do you agree or disagree? Format viết giống như Task 2 trong Writing IELTS. Bài viết tránh dùng những từ vựng quá học thuật, câu văn càng đơn giản càng tốt. Các bạn nên tập trung vào các ý tưởng cũng như cấu trúc của bài viết sao cho thật logic, đây là điều được giám khảo rất thích.Bên cạnh đó, liên kết những vấn đề trong essay với nghề nghiệp kiểm toán sẽ được đánh giá rất cao.
 
b. Tax

Tổng điểm là 100, thời gian làm bài trong 90 phút và sử dụng hoàn toàn bằng tiếng anh. Nội dung đề Tax bao gồm: Technical (35 điểm) và Essay (65 điểm).

Nếu so với Audit thì Technical của Tax dễ thở hơn rất nhiều. Các câu hỏi liên quan đến Accounting thì chỉ xoay quanh các nghiệp vụ đơn giản. Ngoài ra còn có một số câu hỏi về thuế VAT, CIT, PIT… Sổ tay thuế hàng năm của PwC năm 2017 sẽ là một công cụ rất hữu ích cho các bạn muốn apply vào vị trí Tư vấn Thuế này.

Nội dung đề Essay 2016 về tính hiệu quả của ODA ở Việt Nam và đưa ra các giải pháp để quản lý và nâng cao.

thi tuyển Deloitte

Vòng 3: As One (Tinh thần đồng đội) – Phỏng vấn nhóm

Vượt qua thử thách khó khăn của vòng test, các thí sinh sẽ tiếp tục bước vào vòng phỏng vấn nhóm. Tại vòng này, các thí sinh được chia thành các nhóm 5 thành viên và sẽ trao đổi về một tình huống nào đó. Do số thứ tự của team đã được thông báo qua email nên các thí sinh không khó để biết và làm quen trước với các đồng đội của mình. Đây sẽ là điều rất thuật lợi cho các bạn khi tham gia teamwork.

Ở vòng thi này, nếu các firm khác có thể lựa chọn case study là vấn đề nóng trong dư luận hiện nay như sự xuất hiện của smart phone, ứng dụng của công nghệ… thì ở Deloitte, case study thường liên quan đến chuyên ngành. Không chỉ có vậy, case study ở mỗi phòng lại khác nhau, đôi khi về Đánh giá lại tài sản, Hệ thống kiểm soát nội bộ phần hành Lương, Thủ tục kiểm kê Hàng tồn kho… Chính vì thế, ngoài kỹ năng mềm thì các kiến thức chuyên ngành sẽ giúp bạn rất nhiều. Các thí sinh sẽ có thời gian thảo luận với nhau, sau đó trình bày trước giám khảo và cuối cùng là phần Q&A.

Một điểm đáng chú ý ở vòng này là các thí sinh có thể lựa chọn sử dụng tiếng Việt trong quá trình làm việc nhóm cũng như trình bày trước giám khảo, đây là một điều rất thuận lợi đối với những bạn tiếng Anh chưa thật tốt.

Giám khảo đánh giá ứng viên thông qua cách làm việc nhóm. Một người làm việc nhóm tốt là người có đóng góp nhiều key ideas và hiểu được tinh thần của những thành viên còn lại. Bạn không nên chỉ ngồi im và nghe các thí sinh khác đưa ra ideas, cũng không nên quá áp đảo phần còn lại của nhóm, càng không nên “vùi dập” ideas của thí sinh nào, dù ý kiến đó rất tệ. Một nhóm tốt là nhóm mà ai cũng có vai trò và hoàn thành tốt vai trò của mình. Ngoài ra, body language và kĩ năng giao tiếp ứng xử cũng được giám khảo đánh giá ở mỗi ứng viên.

Vòng 4: The Game Changer (Tự tin tỏa sáng) – Phỏng vấn cá nhân

Những thí sinh có phần thể hiện tốt hơn ở vòng 3 sẽ lọt vào vòng Phỏng vấn cá nhân và số lượng thí sinh tham gia vòng này thường dao động từ 100 – 120 người, tùy chất lượng của từng năm.

Liệu bạn có bị hỏi về chuyên ngành trong vòng này không? Câu trả lời tùy thuộc vào chất lượng bài test của bạn và người phỏng vấn. Nếu bạn làm test rất tốt, người phỏng vấn có thể sẽ không hỏi về chuyên ngành nữa mà xoay quanh các vấn đề cá nhân, hoạt động ngoại khóa, thành tích… mà bạn ghi trong CV. Đừng quên mang theo CV cũng như certificates khi đến phỏng vấn (mặc dù người phỏng vấn đã có hoặc không cần đến).

Chìa khóa của vòng này là thể hiện con người bạn một cách trung thực, tự tin, biến cuộc phỏng vấn thành một buổi nói chuyện vui vẻ. Nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn có câu hỏi nào không, đừng ngần ngại bảo “Có”, vì lúc đó bạn đã trải qua vòng phỏng vấn của mình rồi, hãy hỏi tất cả những gì bạn thắc mắc, như chế độ phúc lợi ở công ty, quá trình thăng tiến, tất nhiên, bạn nên hạn chế nói đến vấn đề về lương. Nói chung, bí quyết là “Feel free, show yourself”.

Về phần ngôn ngữ, bạn sẽ chỉ phải giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh, sau đó, nếu có “mong muốn”, bạn có thể sử dụng tiếng Việt. Tuy nhiên vẫn sẽ là tốt nhất nếu bạn sử dụng tiếng Anh trong suốt cuộc thi này. Những người phỏng vấn thường rất thân thiện và thoải mái, đây cũng là đặc trưng của BIG4 khi tuyển thực tập sinh.

Vòng 5: One Destination (Cán đích thành công)

Đêm chung kết của cuộc thi là nơi chọn ra Top 5, Top 3 và Quán quân từ những thí sinh vượt qua vòng 4 để giành lấy những giải thưởng giá trị từ ICAEW và Deloitte. Ở vòng này, các thí sinh đều đã trở thành thực tập sinh chính thức làm việc tại Deloitte nên tâm lý thường rất thoải mái.

Làm việc tại Deloitte Việt Nam

1. Môi trường làm việc tại Deloitte

Theo báo cáo của mạng nghề nghiệp Alphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen năm 2016, Deloitte lọt Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam trên các tiêu chí lựa chọn bao gồm môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng, chế độ phúc lợi… Văn phòng Deloitte cũng được đánh giá là chuyên nghiệp, sang trọng và thuận lợi cho công việc.

Chị Mai Anh, Finance Advisory Services Intern kì Hè 2016 chia sẻ: “Môi trường làm việc tại Deloitte Việt Nam là môi trường mở, đặt lên hàng đầu ‘tiêu chí chia sẻ’. Mai Anh cảm thấy rằng mình đã sống cùng với team, chứ không chỉ đơn thuần làm việc cho công ty Deloitte Việt Nam. Đó là bởi các anh chị trong ban làm việc rất thân thiện và cởi mở, chia sẻ cho mình những điều mình chưa hiểu, chưa biết về công việc nhưng cũng lắng nghe mình rất nhiều, giảm hẳn những bỡ ngỡ ban đầu để mình hoàn toàn hòa nhập với môi trường làm việc tại Deloitte. Lượng công việc được cân bằng, đưa ra theo năng lực của mỗi cá nhân. Cuối kỳ thực tập Mai Anh nhận feedback từ mỗi cá nhân anh chị cấp trên, giúp mình hiểu hơn những điểm mạnh, yếu của bản thân cũng như những điều mình cần trau dồi để bản thân tiến bộ hơn.

Ngoài ra, Deloitte Việt Nam là môi trường làm việc theo phong cách hướng ngoại, sẵn sàng đón đầu và sàng lọc những văn hóa ngoại, luôn đổi mới trong tư duy và cách làm việc. Không như các trường đại học, bạn nói tiếng Việt trong lớp ngoại ngữ Tiếng Anh; tại Deloitte, đa ngôn ngữ và văn hóa – ngay cả trong những cuộc thoại bình thường hay các buổi thuyết trình là điều diễn ra rất thường xuyên. Nó tạo ra một môi trường làm việc đi đầu về tôn trọng sự khác biệt trong mỗi nhân viên nhưng là một sự hài hòa tuyệt đẹp giữa các cá nhân để làm nên thành công của các dự án khác nhau – cả trong và ngoài nước. Làm việc tại Deloitte Việt Nam, mình tin rằng ai rồi cũng sẽ không thể lạc lõng giữa môi trường làm việc ở bất kỳ một công ty nước ngoài nào khác.”

2. Mặt trái và thách thức khi làm việc tại Deloitte

Làm việc tại công ty kiểm toán hàng đầu như Deloitte, việc đối mặt với áp lực và thách thức là không thể tránh khỏi.

Vượt qua kì thi tuyển khó khăn, các thành viên sẽ phải đối mặt với khối lượng công việc không hề nhỏ. Một năm có ba mùa bận và cứ đến mùa thì việc thức xuyên đêm để làm việc là chuyện bình thường. Tuổi thọ làm việc trung bình tại BIG4 thường rơi vào khoảng 2 – 2,5 năm, vì công việc rất mệt mỏi. Đặc biệt với thành viên nữ, khả năng trụ lại rất thấp vì nhiều người còn có nỗi lo về gia đình, chồng con cũng như những vấn đề khác so với nam giới.

Làm việc tại Deloitte nói riêng và BIG4 nói chung đòi hỏi các bạn phải đánh đổi khá nhiều. Nếu thể hiện tốt, bạn sẽ được trợ cấp đi học các chứng chỉ CPA, ACCA là những bằng cấp nghề nghiệp quốc tế mà không phải ai cũng có đủ chi phí theo học.

Anh VinhTa chia sẻ rằng đây cũng là một sự “đánh đổi”: “Em có nghe rằng việc cho đi học sẽ được đánh đổi bằng cam kết thêm vài năm. Việc trở thành một auditor của BIG4 sẽ giúp mọi sinh viên trở nên dày dặn kinh nghiệm, biết được mức lương của các công ty đối tác là bao nhiêu (để sau này nhảy sang), có kiến thức sâu rộng, ví dụ kiểm toán cho công ty dược thì phải tham khảo thông tin về dược v..v..”

Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua những áp lực với công việc này, luôn được đánh giá là áp lực hơn làm việc tại ngân hàng tương đối nhiều so với mức lương nhận được. Anh VinhTa cũng tâm sự thêm: “Tuy nhiên, như đã nói thì có áp lực về deadline khiến nhân viên thức xuyên đêm là chuyện bình thường. Cái này thì em thấy là rất hại sức khỏe. Em đã nhìn thấy các anh chị ấy xuất hiện sau mùa kiểm toán. Thật sự là trông rất thảm. Cũng có một điểm lưu ý đó là sau mỗi mùa có một đợt đánh giá nhận xét gì đó các nhân viên, mà nếu như mình bị feedback không tốt thì sẽ không được lên chức hoặc tăng lương.”

Kết luận: Lựa chọn làm việc tại Deloitte nói riêng và BIG4 nói chung chắc chắn đòi hỏi bạn phải sẵn sàng cho kì thi tuyển không hề đơn giản cũng như những nỗ lực nhất định khi chính thức làm việc. Hãy cân nhắc thật kĩ và trang bị cho mình một CV chuyên nghiệp để sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội việc làm phù hợp nhé!

Bài viết tổng hợp và tham khảo từ SAPP, Deloitte Vietnam và một số trang khác, có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được thêm thông tin góp ý, chia sẻ của các bạn để bổ sung cho những hiểu biết về Deloitte Việt Nam.

Theo https://blog.topcv.vn