Câu hỏi phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng

Chuyên viên quan hệ khách hàng là một trong những vị trí tuyển dụng “hot” hiện nay. Không chỉ sở hữu số lượng tin tuyển dụng lớn, vị trí này còn mang lại cho ứng viên nhiều cơ hội thăng tiến, mở rộng quan hệ và rèn luyện kỹ năng bản thân. Tuy nhiên, để thành công trong kỳ phỏng vấn tuyển dụng là điều không đơn giản. Nhằm giúp ứng viên chuẩn bị tốt hơn cho mục tiêu của mình, VietnamBankers hôm nay sẽ gửi đến bạn những câu hỏi phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất hiện nay.

I. Những khía cạnh nhà tuyển dụng mong muốn nhìn thấy ở ứng viên

Kỳ phỏng vấn trực tiếp là cơ hội để nhà tuyển dụng khai thác và cảm nhận thức tế những kỹ năng, tố chất cần thiết của chuyên viên quan hệ khách hàng từ những ứng viên phù hợp, bao gồm :

  • Phong cách ăn mặc lịch sự, nghiêm túc

  • Kỹ năng giao tiếp hiệu quả

  • Khả năng xử lý tình huống linh động, nhanh nhẹn

  • Kiến thức chuyên môn phù hợp ngành nghề nhà tuyển dụng đang hoạt động

  • Trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc

  • Những kỳ vọng của ứng viên đối với doanh nghiệp về môi trường làm việc, lương thưởng, phúc lợi, hỗ trợ công tác…

  • Khả năng ứng viên đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp về chỉ tiêu doanh số, thời gian làm việc, đi công tác xa…

Nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc lựa chọn dựa trên sự thể hiện của ứng viên cũng như những thương lượng về quyền và lợi ích của đôi bên.

II. Câu hỏi phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng

Dưới đây là những câu hỏi ứng viên chắc chắn sẽ gặp trong kỳ phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng cùng những gợi ý trả lời phù hợp:

1. Giới thiệu đôi nét về bản thân

Câu hỏi muôn thuở cho mọi kỳ phỏng vấn ở mọi ngành nghề nhưng câu trả lời không thể giống nhau mà phải thể hiện nét đặc trưng liên quan đến công việc và doanh nghiệp mà bạn đang ứng tuyển.

Những thông tin cá nhân như họ tên, bằng cấp, nơi sinh sống chỉ cần nêu ngắn gọn

Kinh nghiệm làm việc chính là điều mà nhà tuyển dụng quan tâm nhất, hãy chuẩn bị sẵn ở nhà để hướng kinh nghiệm của bạn theo hướng nhiệm vụ công việc mà nhà tuyển dụng đề cập trong bản tin tuyển dụng.

2. Bạn biết gì về công ty của chúng tôi ?

Chuyên viên quan hệ khách hàng là một công việc nhiều áp lực, muốn gắn bó lâu với doanh nghiệp, ứng viên phải có sự đam mê và quan tâm thật sự, điều này có thể nhận ra qua việc bạn biết được bao nhiêu về nhà tuyển dụng.

Nguồn thông tin dễ tìm nhất là thông qua trang web doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn có thể tìm theo tên công ty trên google để biết thêm những thông tin “bên lề”.

Một điều cần chú ý là chỉ nêu những mặt tích cực của doanh nghiệp trong câu trả lời bạn nhé vì chẳng ai muốn ứng tuyển vào những doanh nghiệp có yếu tố tiêu cực cả.

3. Hãy chia sẻ một tình huống khó khăn mà bạn đã thương lượng thành công với khách hàng?

Câu hỏi này muốn tìm hiểu kỹ năng mềm mà ứng viên hiện đang sở hữu, bao gồm:

  • Kỹ năng giao tiếp

  • Kỹ năng thuyết phục, đàm phán

  • Kỹ năng nghiên cứu sản phẩm doanh nghiệp

  • Kỹ năng linh hoạt dung hòa lợi ích giữa khách hàng và công ty cũ.

Hãy nghĩ sẵn một tình huống ngay từ khi chuẩn bị để không bị bất ngờ, cũng như không khiến cuộc phỏng vấn kéo dài thời gian. Nếu được, bạn hãy lựa chọn những tình huống khó khăn không phải do lỗi của bạn, nhưng bạn lại là yếu tố chính mang lại thành công cho quá trình giải quyết.

Đó có thể là sự khó khăn do suy thoái kinh tế, do dịch bệnh hay do nhân viên cũ để lại, tuyệt đối đừng đổ lỗi cho chính sách công ty cũ, vì biết đâu, công ty bạn đang ứng tuyển cũng áp dụng chính sách đó.

4. Các nguồn khách hàng mà bạn thường chú trọng sử dụng để tìm kiếm đối tác

Câu hỏi này đặc biệt được nhà tuyển dụng lưu tâm, nhất là khi yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn ứng viên mới kéo về cho mình một lượng khách hàng tiềm năng ngay sau khi được tuyển dụng.

Các nguồn tiếp cận khách hàng mới có thể là người nhà hay bạn bè giới thiệu, thông qua các trang mạng xã hội, các trang marketing trực tuyến – những nguồn này bất cứ ứng viên nào cũng trả lời được.

Để vượt trội hơn họ, bạn phải nêu được những nguồn khách hàng bạn đang có mối quan hệ tốt từ những doanh nghiệp cụ thể, chẳng hạn : 

  • Công ty A bạn đã từng ký kết hợp đồng trong bao lâu, giá trị hợp đồng bao nhiêu

  • Đối với lĩnh vực mà công ty ứng tuyển đang kinh doanh, bạn có mối quan hệ với những doanh nghiệp nào

  • Gần đây nhất, bạn vừa hẹn gặp mấy đối tác có nhu cầu mua sản phẩm, dịch vụ gì (nều đúng sản phẩm mà công ty bạn đang ứng tuyển cung cấp thì càng tốt)

5. Giá trị hợp đồng cao nhất mà bạn từng mang về cho công ty trước đây?

Bạn nên tìm hiểu mức doanh thu trung bình mà một chuyên viên quan hệ khách hàng tại ngành nghề cùng lĩnh vực ứng tuyển có thể mang về cho doanh nghiệp họ là bao nhiêu.

Điều này rất dễ có được thông qua các bạn bè cùng ngành, các diễn đàn trao đổi thông tin hoặc tìm kiếm trên google.

Sau đó, hãy tìm hợp đồng mà bạn từng có thể đem về mức doanh thu đó, không nhất thiết phải là công ty cũ, có thể là công ty cũ hơn cũng được. Nếu quá khứ đều là những hợp đồng giá trị thấp hơn thì hãy kèm theo tỷ lệ đóng góp của bạn trong tổng doanh thu của phòng ban lúc đó. Đây được xem là định mức để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực phù hợp của bạn đối với kỳ vọng của doanh nghiệp.

6. Giả sử khi bạn được tuyển dụng, chỉ tiêu doanh thu tháng đầu là 3 tỷ đồng, bạn sẽ làm thế nào để đạt chỉ tiêu đó?

Một câu hỏi thách thức khả năng xử lý tình huống của ứng viên. Mỗi ngành nghề, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra chỉ tiêu riêng, 3 tỷ đồng/tháng thường là dành cho chuyên viên ngành ngân hàng.

Điều quan trọng là ứng viên phải cho nhà tuyển dụng thấy được sự linh hoạt của bạn trong cách hoàn thành chỉ tiêu doanh thu. Chẳng hạn như sự đa dạng về nguồn khách hàng, đa dạng về loại hình thu hút vốn, đa dạng cả về cách điều chỉnh tỷ lệ thưởng doanh thu mà bạn nhận được.

7. Mức lương mà bạn mong muốn nếu được tuyển dụng?

Thông tin tuyển dụng có thể ghi rõ mức lương cơ bản dành cho ứng viên, nếu không có, bạn có thể tham khảo bản thống kê lương cơ bản theo nhiều ngành nghề tại các trang tuyển dụng trực tuyến chuyên nghiệp như Bankwork, HRchannels, TalentBold, Vietnamworks hay Careerbuilder.

Nhưng quan trọng nhất chính là tỷ lệ thưởng theo doanh số mà nhà tuyển dụng dành cho chuyên viên quan hệ khách hàng. Bạn cần hỏi kỹ tỷ lệ này trước khi chấp nhận mức lương cơ bản được đề xuất.

Với 7 câu hỏi phỏng vấn chuyên viên quan hệ khách hàng trên đây, VietnamBankers chú trọng tập trung những câu hỏi then chốt có độ khó cao để các ứng viên thuận lợi chuẩn bị trước kỳ phỏng vấn. Chuẩn bị kỹ lưỡng, tự tin và điềm tĩnh, chắc chắn bạn sẽ thành công !