Đào tạo và nghiên cứu khoa học ở học viện ngân hàng dưới góc độ của doanh nghiệp

  Đây là những lời nhận xét về Học viện Ngân Hàng, tích cực có, tiêu cực có nhưng rất đúng. Sinh viên phải cố gắng nhiều trong quá trình học trong trường, sinh viên chúng ta nhiều bạn còn thiếu kiến thức xã hội, kiến thức thực tế, khả năng ngoại ngữ, nhiều kỹ năng cần thiết…
Theo TS.Đỗ Thị Thủy đăng tại http://www.vietinbank.vn/
“ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở HỌC VIỆN NGÂN HÀNG DƯỚI GÓC ĐỘ CỦA DOANH NGHIỆP”
  Bài viết sẽ được chia làm 3 phần:
1. Khiếm khuyết của sản phẩm đào tạo
2. Nguyên nhân sinh ra sự bất cập
3. Giải pháp gắn kết hoạt động đào tạo và Nghiên cứu khoa học với thực tiễn
  Phần 1: Khiếm khuyết của sản phẩm đào tạo
️  Đối với hoạt động của một bất kỳ doanh nghiệp (DN), một ngân hàng nào, ngoài yếu tố vốn, công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Nền kinh tế ngày càng phát triển, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, thị trường cạnh tranh càng gay gắt, thì nguồn nhân lực trong quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp càng trở thành yếu tố quyết định và cần thiết hơn bao giờ hết.
️  Trong 45 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức Học viện Ngân hàng (HVNH) đã có những đóng góp to lớn trong việc cung cấp cho nền kinh tế xã hội một nguồn nhân lực đáng kể – một đội ngũ cán bộ được đào tạo có trình độ, năng lực, trong đó có nhiều người uyên thâm về mặt lý luận, đồng thời có khả năng giải quyết các vấn đề mà thực tế cuộc sống kinh tế – xã hội đang đặt ra, hiện đang giữ những cương vị chủ chốt ở Trung ương cũng như ở các doanh nghiệp, ngân hàng. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) của HVNH trong thời gian tới, dưới giác độ doanh nghiệp – người sử dụng các sản phẩm đào tạo của Học viện, xin được đề cập tới một số vấn đề sau đây.️️️
 
  Sản phẩm đào tạo có còn khiếm khuyết?
  Sản phẩm đào tạo của HVNH khi đưa ra thị trường, được người sử dụng là các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét, kiểm tra, đánh giá một cách nghiêm ngặt trong quá trình tuyển dụng, không có châm chước, không có cảm thông vì những lý do khách quan thì chưa thể nói là tuyệt hảo, mà vẫn còn một số kiếm khuyết, bất cập. Trong nhiều năm qua, DN không có sự lựa chọn nào khác nên phải chấp nhận nhà trường cung cấp gì thì sử dụng nấy. DN đã phải chịu thêm nhiều chi phí để đào tạo lại trong việc sử dụng nguồn nhân lực mới tuyển dụng. Đã đến lúc không thể cung cấp các sản phẩm đào tạo được tạo nên từ “tháp ngà” khoa học, từ những định hướng suy đoán, mà phải có một sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, của ngân hàng để tạo ra một đội ngũ lao động vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có thực tế, đáp ứng nhanh chóng được yêu cầu công việc trong tình hình kinh tế thị trường liên tục biến đổi. Do đó một trong những hoạt động dạy và học có ý nghĩa tích cực của HVNH trong giai đoạn hiện nay là tạo ra những tiền đề, những bứt phá nhằm phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Phát triển mối quan hệ này sẽ giải quyết những vấn đề then chốt trong nhiệm vụ chuyển giao các kết quả NCKH, phát huy sức mạnh trí tuệ, học vấn của thầy và trò HVNH nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến trước thềm hội nhập.
  Trên thực tế, phần nhiều các ý tưởng, các đề tài ứng dụng, luận văn tốt nghiệp của sinh viên đều dựa trên lý thuyết, trên những nền tảng được đào tạo ở trường, thiếu thực tiễn, thiếu kinh nghiệm, tính khả thi không cao. Có những ý tưởng hay, sáng tạo của sinh viên nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng chưa có những biện pháp giúp sinh viên biến ước mơ thành hiện thực.
  Nhược điểm mà các nhà “săn đầu người” của các DN hay phải than phiền là tư duy sáng tạo, khả năng tự tin, chủ động trong công việc của sinh viên chưa cao. Các kỹ năng rất cần thiết như kỹ năng nghe, khai thác, thuyết trình, đàm phán, chốt hạ, … đều rất yếu. Nhân viên mới ít khi dám đưa ra ý tưởng mới, mà thường thụ động chờ ý kiến cấp trên, chờ đề tài, hướng dẫn và làm theo một cách máy móc, thụ động.
  Một điểm nữa thể hiện việc sinh viên nói chung tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội là khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và các công cụ thông tin còn yếu, kiến thức xã hội, kiến thức văn hóa kinh doanh của sinh viên mới ra trường quá ít ỏi. Cứ tưởng rằng điều này không đáng phải quan tâm, nhưng thực chất nếu không có kiến thức trên thì nhân viên mới không thể năng động, hòa nhập nhanh vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.