Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2021. Nghị định quy định chi tiết thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Gồm tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm. Một số nội dung quy định tại Nghị định đáng lưu ý như sau:
Về tài sản bảo đảm
Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định cơ chế pháp lý xác định. Cơ chế pháp lý giải quyết việc đầu tư vào tài sản bảo đảm, cơ chế pháp lý giải quyết biến động về tài sản bảo đảm.
Nguyên tắc xác định tài sản bảo đảm
Tài sản không bị cấm mua bán, không cấm chuyển giao về quyền sở hữu đều có thể làm tài sản bảo đảm. Một số loại tài sản phát sinh vướng mắc trong thực tiễn đã được đưa vào quy định trong Nghị định số 21/2021/NĐ-CP. Như quy định về tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Theo đó, tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quy định tại khoản 2 Điều 271 của Bộ luật Dân sự được dùng làm tài sản bảo đảm; hoa tức, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm.
Có 04 loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
+ Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
+ Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
+ Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
+ Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
Bên cạnh đó, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm hoặc bằng nhiều tài sản
+ Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm.
+ Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.