VietnamBankers tham dự hội nghị Hội đồng hiệp hội ngân hàng ASEAN lần thứ 47

  Trong 2 ngày 23-24/11/2017 tại Đà Nẵng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) là chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) lần thứ 47.
  ABA lần thứ 47 là sự kiện thường niên của cộng đồng các ngân hàng trong khu vực, với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ các nước ASEAN đại diện cho các ngân hàng thuộc khối ASEAN, gồm Hiệp hội Ngân hàng Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Phillippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
  Tại hội nghị, các thành viên ABA tập trung thảo luận, bàn bạc nhiều chủ đề, nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của ngân hàng các nước trong khu vực. Trong đó, có phát triển tài chính bền vững, tài chính toàn diện, ứng dụng công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng… và đưa ra các sáng kiến hợp tác cùng với kế hoạch hành động triển khai.
   Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN cho rằng, trong quá trình hội nhập và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhằm xây dựng một thị trường và cơ sở duy nhất, đồng thời đưa ASEAN hội nhập với hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN đã tiến hành các sáng kiến cụ thể ở cả cấp quốc gia và cấp khu vực, từ việc loại bỏ thuế nhập khẩu trong nội bộ khối ASEAN.
   Đồng thời, mở cửa dần khu vực dịch vụ đến việc đơn giản hóa các quy trình thương mại qua biên giới, hợp nhất các quy định kỹ thuật và công nhận chung. Môi trường kinh doanh và đầu tư trong khu vực ASEAN cũng được cải thiện thông qua việc thực hiện các khuôn khổ chung, các sáng kiến thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong các vấn đề như chính sách cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng. Sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu cũng được hỗ trợ nhiều hơn thông qua việc tăng cường khả năng kết nối, bao gồm cải thiện về vận chuyển và các mạng lưới cơ sở hạ tầng khác…
   Theo ông Minh, trong những thành tựu mà ASEAN đạt được trong những năm qua. Đặc biệt là thành tựu trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, luôn nhận được hỗ trợ bởi hội nhập tài chính, là một thành phần thiết yếu của chương trình nghị sự hội nhập kinh tế ASEAN như được quy định rõ trong kế hoạch tổng thể xây dựng kinh tế ASEAN. Hội nhập trong lĩnh vực tài chính được thể hiện ở đặc trưng đầu tiên của AEC định hướng đến 2025 là nền kinh tế ASEAN hội nhập sâu và gắn kết cao nhằm hỗ trợ cho vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có kỹ năng trong khu vực ASEAN. Từ đó, tăng cường mạng lưới sản xuất và thương mại để thiết lập thị trường thống nhất hơn cho các DN và người tiêu dùng trong khu vực. ASEAN đã xây dựng Kế hoạch hành động Chiến lược ASIAN 2016-2025 về hội nhập tài chính, nêu bật ba trụ cột chính gồm hội nhập tài chính, toàn diện tài chính và ổn định tài chính.
   Nhằm định hướng phát triển tài chính toàn diện trong khu vực, Cộng đồng ASEAN đã thông qua Khuôn khổ tài chính toàn diện ASEAN. Tài chính toàn diện số được coi là yếu tố then chốt mà các nước thành viên ASEAN thảo luận kỹ lưỡng về sự phát triển và ảnh hưởng của các giải pháp đối với bối cảnh tài chính trong khu vực.
   Theo các chuyên gia, hệ thống ngân hàng của các thành viên ASEAN có sự phát triển vượt bậc, bắt kịp với sự phát triển và hội nhập toàn cầu. Nhiều chuẩn mực tài chính ngân hàng đã được hình thành và áp dụng. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng các nước trong khu vực cũng cần hoàn thiện để hội nhập, bắt kịp thời kỳ công nghiệp 4.0 để đáp ứng các dịch vụ của khách hàng như dịch vụ vốn, tiền gửi, thanh toán…
 Đặc biệt, thách thức lớn đối với các ngân hàng là rủi ro về địa chính trị. Theo đại diện Moody’s, môi trường kinh doanh của các ngân hàng khu vực ASEAN có nhiều sự tương đồng nhau. Do đó, thách thức lớn nhất là đối mặt với rủi ro về địa chính trị, sự dịch chuyển chính sách trong trung và ngắn hạn. Các mối quan hệ song phương sẽ bị gián đoạn, làm ảnh hưởng để hệ thống ngân hàng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, hệ thống các ngân hàng trong khu vực cần có sự chủ động trong hoạch định chiến lược kinh doanh, cần tăng cường ổn định hệ thống và tích cực hợp tác giữa các ngân hàng trong khu vực.
   Phát biểu tại Hội nghị, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến những tăng trưởng đáng kể trên diện rộng kể từ đầu thập kỷ và khu vực ASIAN cũng nằm trong xu hướng phục hồi kinh tế chung của thế giới.
   Tuy nhiên, quá trình phục hồi mới chỉ bắt đầu và để vượt qua khủng hoảng là không dễ dàng. Song song với đó, vẫn tồn tại nhiều bất ổn và rủi ro hậu khủng hoảng cần quan tâm như việc dừng triển khai các chính sách kích cầu từ các NHTW sẽ tạo biến động trong giá tài sản và việc luân chuyển vốn giữa các quốc gia có mức độ phát triển khác nhau; chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến viễn cảnh xuất khẩu kém tích cực, luồng vốn FDI giảm cũng như gia tăng nguy cơ gây đổ vỡ các mô hình thương mại đa phương…
   Với diễn biến như vậy, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, để bước tiếp chặng đường mới, vai trò ngành Ngân hàng trong khu vực ASEAN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, ngành Ngân hàng sẽ vừa đảm nhiệm trọng trách làm cầu nối trong các nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới. Đồng thời, vừa phải đảm bảo lĩnh vực ngân hàng tiếp tục hoạt động trên cơ sở lành mạnh, quản trị tốt và bền vững để đối phó với mọi rủi ro tiềm năng.
   Để phát huy hiệu quả hợp tác, Phó thống đốc cũng kêu gọi sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa khu vực tư nhân với Chính phủ và giữa các ngân hàng với doanh nghiệp trong khu vực ASEAN. Qua đó, cùng nhau đồng hành kiếm tìm các cơ hội mới; tạo liên kết khu vực trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn về tăng trưởng bền vững và hiệu quả trong khu vực.
   Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hợp tác chặt chẽ giữa các hiệp hội ngân hàng thành viên vì mục tiêu chung của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN. Nhằm đáp ứng bối cảnh ngành ngân hàng khu vực và thế giới đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng dưới tác động của cuộc CMCN 4.0 và xu thế hội nhập, với nhiều vấn đề cần giải quyết như: “làm thế nào để liên kết, sử dụng lợi thế của nhau… để đưa ra nhiều phương thức cung cấp dịch vụ mới, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; làm thế nào để đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao, phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và yêu cầu quản trị rủi ro trong môi trường kinh doanh nhiều biến động”.
   Với mục đích đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và cách thức giải quyết các vấn đề đặt ra cho các ngân hàng trong khu vực, Hội nghị Hội đồng Hiệp hội năm nay sẽ là cơ hội tốt để kết nối các nhà lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng trong khu vực ASEAN, các nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
   Tại phát biểu khai mạc, ông Farid Rahman, đại diện cho Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN và Hiệp hội Ngân hàng Indonesia (Perbanas), đã ghi nhận những tiến bộ đạt được trong Khuôn khổ Hội nhập Ngân hàng ASEAN (ABIF), đó là việc đạt được thỏa thuận song phương giữa Indonesia và Malaysia, và các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa Malaysia và Philippines về sáng kiến Ngân hàng đạt chuẩn khu vực ASEAN (QAB). Đây sẽ là một bước tiến thúc đẩy phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế trong khu vực dựa trên các nguyên tắc toàn diện, minh bạch và chia sẻ hợp tác vì lợi íchtoàn thể công dân ASEAN. Trong bối cảnh này, cần lưu ý tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng năng lực ở tất cả các lĩnh vực để đáp ứng được với những thách thức đặt ra.
   Ông Gene Fang, Phó Giám đốc Định chế tài chính Moody’s đã có bài thuyết trình về triển vọng kinh tế vĩ mô và ngành ngân hàng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018. Theo đó, sự phục hồi mạnh mẽ của các thị trường mới nổi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế phát triển đang được củng cố bởi đà tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019. Các chỉ số tín dụng quan trọng nhìn chung được đánh giá từ ổn định đến tích cực đối với các hệ thống ngân hàng ASEAN. Cụ thể, triển vọng ngân hàng Việt Nam được đánh giá tích cực trong bối cảnh tăng trưởng và đổi mới kinh tế lành mạnh.
   Tại Hội nghị Hội đồng, các thành viên đã thông qua các đề xuất của ba Ủy ban thường trực (Ủy ban về Hợp tác Tài chính, Đầu tư và Thương mai (COFIT), Ủy ban về Quan hệ Liên vùng ASEAN (IRR) và Ủy ban về Đào tạo Ngân hàng) đã họp trước Hội nghị Hội đồng.