Nghề xử lý nợ – Vì duyên mà đến

Nhiều người nghĩ rằng khi làm công việc xử lý nợ, đặc biệt là xử lý nợ ngân hàng sẽ là những con người lạnh lùng, dữ dằn, tính cách mạnh mẽ đầy nam tính…, thậm chí tôi cũng đã từng tiếp xúc với một số người không mấy thiện cảm với công việc này.
Ấy vậy, cách đây 14 năm đã có một cô gái vừa rời ghế nhà trường cầm trên tay tấm bằng cử nhân đầu tiên ngành tài chính ngân hàng, mông lung với việc lựa chọn công việc thì dòng đời lại xô đẩy và gia nhập ngay vào Phòng Quản lý nợ của Ngân hàng
Ngày xưa, tôi cũng đã từng tưởng tượng, đến làm việc yêu cầu khách hàng trả nợ phải dữ dằn, hung hãn, mình xăm trổ thì mới tạo được áp lực với khách hàng. Tuy nhiên, qua thời gian gắn bó với nghề, tôi nhận ra rằng để đòi được nợ không cần phải đao to búa lớn, đòi nợ vẫn rất nhẹ nhàng nhưng khách hàng đồng ý trả nợ cho ngân hàng, đấy là cả một nghệ thuật và ngoài kiến thức chuyên môn, bản thân nhân viên phải có rất nhiều kỹ năng trong giao tiếp, một trong những kỹ năng giao tiếp rất quan trọng cần có đó là sự đồng cảm, đặt mình vào vị trí của khách hàng lắng nghe nhu cầu và sau cùng là tìm cách giải quyết tháo gỡ những khó khăn cùng với khách hàng. Mỗi hồ sơ được duyệt cơ cấu thành công, mọi người đều hân hoan, hạnh phúc vì đã hoàn thành trách nhiệm và điều quan trọng hơn là đã giúp đỡ được nhiều khách hàng trong lúc khó khăn nhất.
Niềm vui của những người xử lý nợ như chúng tôi đơn giản lắm, chúng tôi lấy niềm vui của khách hàng là niềm vui trong công việc của mình. Chúng tôi vui khi khách hàng thông báo trả được nợ “em ơi, nay chị thanh toán nha! Chị bán được nhà rồi” hay “nay tiền hàng về bên anh chuyển tiền trả nợ nha!”. Chúng tôi vui khi khách hàng giảm được áp lực thanh toán, vượt qua được khó khăn.
Có ai biết được rằng nghề xử lý nợ là một trong những nghề thường xuyên phải nhìn thấy nhiều trường hợp éo le và khó khăn nhất của khách hàng. Chúng tôi thường nói vui với nhau rằng “khó khăn của khách hàng chính là công việc của mình”. Khi nền kinh tế càng khó khăn, lạm phát thì ngân hàng sẽ càng phát sinh nhiều nợ xấu hơn, đồng nghĩa với việc chúng tôi mới có “công ăn việc làm”. Nhưng thực tâm chúng tôi không mong điều đó xảy ra chút nào cả. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh “bi đát” của khách hàng trong công việc không làm chúng tôi có cái nhìn tiêu cực với nghề, mà nhờ vậy bản thân có thêm sự trải nghiệm, có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Người ta vẫn hay nói rằng “nghề chọn người, chứ người đâu chọn nghề”, sắp đi qua một nửa đời người, tôi nghiệm ra rằng mọi thứ đến với mình trong cuộc đời này đều xuất phát từ hai chữ “nhân duyên”, và nghề xử lý nợ cũng vậy. Đôi khi mình cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại và nghĩ tới chuyện tìm một công việc mới. Tuy nhiên, với bất kỳ công việc nào, không riêng gì nghề xử lý nợ, hãy kiên định, sống hết mình với công việc, tôi tin cuộc đời sẽ không phụ lòng bạn.